Ngành dệt may là một trong những ngành chủ chốt của nền kinh tế Việt Nam. Ngành này tạo việc làm trực tiếp là gián tiếp cho hàng triệu lao động và đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu nước ta. Trong vòng 6 tháng đầu năm 2024, ngành dệt may đã trải qua khoảng thời gian nhiều biến động với không ít cơ hội và thách thức mới, hãy cùng tìm hiểu về tổng quan ngành dệt may nửa đầu năm 2024 trong bài viết này.
Tổng quan ngành dệt may Việt Nam nửa đầu năm 2024
Trong năm 2024, thực trạng ngành dệt may việt nam hiện nay đã có một nửa năm khởi đầu với những dấu hiệu tích cực. Cho dù vẫn còn tồn đọng nhiều khó khăn do đại dịch covid-19 để lại cũng như tình hình kinh tế thế giới, ngành dệt may vẫn đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Tổng quan ngành may mặc Việt Nam nửa đầu năm 2024
Theo số liệu thống kê ngành dệt may Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2024, ngành dệt may đứng trong top đầu kim ngạch xuất khẩu của cả nước với 16,282 tỷ USD. Xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 7 tháng đầu năm 2024 ước đạt 23,64 tỷ USD, tăng 4,58% so với cùng kỳ 2023. Sự tăng trưởng này là nhờ vào các thị trường lớn như Mỹ và châu u kiểm soát được lạm phát giúp cho sức mua tăng lên.
Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may ước đạt 14,2 tỷ USD, tăng 14,85% so cùng kỳ 2023. Các doanh nghiệp đã có đơn hàng đến tháng 10 và tháng 11/2024. Lượng hàng tồn kho của các nhãn hàng từ năm 2023 cũng được ghi nhận giảm đáng kể.
Dự báo, xuất nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam sẽ tiếp tục khả quan trong những tháng tới, bởi theo yếu tố chu kỳ thì nhu cầu hàng hoá thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm. Các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều tăng, riêng EU đạt tốc độ tăng trưởng thấp nhất, chỉ 0,8%. Nhiều Doanh nghiệp hiện đã có đơn hàng đến cuối năm và đang đàm phán đơn hàng đầu năm 2025.
Kim ngạch xuất khẩu ngành may Việt Nam tăng so với cùng kỳ năm ngoái
Những điểm sáng và thách thức
Ngành dệt may Việt Nam đã có 6 tháng khởi đầu năm 2024 khá tích cực. Có nhiều cơ hội nhưng cũng không ít những khó khăn mà ngành dệt may đang phải đối mặt hiện nay.
Thách thức
Năm 2024 mở ra một thời kỳ đầy thách thức cho nền kinh tế toàn cầu nói chung và ngành dệt may Việt Nam nói riêng. Giai đoạn này đem lại không ít khó khăn, thử thách cho ngành dệt may, tiêu biểu như:
- Cạnh tranh khốc liệt: Ngành dệt may nước ta phải đương đầu với sự cạnh tranh gay gắt với những nước có chi phí lao động thấp hơn và các nước được hưởng ưu đãi về thuế suất mạnh mẽ hơn.
- Giá nguyên liệu thường xuyên biến động: Giá nguyên liệu vật tư đầu vào của ngành may mặc không ổn định cũng là một nguyên nhân khiến cho chi phí sản xuất và lợi nhuận của các doanh nghiệp bị tác động.
- Trách nhiệm với môi trường: Bất kể ngành nghề nào hiện nay cũng đòi hỏi đề cao việc bảo vệ môi trường. Việc này yêu cầu các doanh nghiệp phải đầu tư vào quy trình sản xuất, công nghệ mới để giảm thiểu tác động xấu đối với môi trường.
Ngành dệt may Việt Nam đối mặt với không ít thách thức
Cơ hội
Bên cạnh những thách thức cần vượt qua, năm 2024 cũng mở ra không ít những cơ hội mới cho ngành dệt may Việt Nam.
- Hồi phục nhu cầu tiêu dùng toàn cầu: Việc các quốc gia mở cửa lại sau đại dịch và nhu cầu tiêu dùng ngày càng phục hồi, đơn hàng dệt may của Việt Nam đang trên đà tăng trưởng trở lại và sẽ còn tăng nữa trong tương lai.
- Thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ: Thương mại điện tử ngày càng phát triển tạo ra kênh phân phối rộng lớn và nhiều lợi thế cho các sản phẩm dệt may. Các sàn thương mại điện tử cho phép doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với khách trên toàn cầu.
- “Xanh hóa” công nghiệp dệt may: Khách hàng ngày nay không chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm mà còn quan tâm đến tính bền vững, độ thân thiện với môi trường của hàng hóa. Nắm bắt được điều đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang tăng tốc trên đường đua “xanh hóa” quy trình sản xuất để đáp ứng nhu cầu khách hàng cũng như chung tay bảo vệ hành tinh.
- Các hiệp định quốc tế: Việt Nam tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do, trở thành đối tác chiến lược với nhiều cường quốc trong những năm trở lại đây. Điều này sẽ giúp cho các sản phẩm dệt may của Việt Nam được xuất khẩu sang nước bạn với thuế suất ưu đãi, nâng cao năng lực cạnh tranh.
- Đối thủ cạnh tranh: Một trong những đối thủ cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam trên thị trường quốc tế là Bangladesh. Bangladesh là nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ ba thế giới trong năm 2023. Tuy nhiên, với tình hình bất ổn chính trị hiện nay đang diễn ra căng thẳng tại Bangladesh, nhiều nhà máy may mặc tại nước này đã phải đóng cửa vô thời hạn. Đây là một cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam khi các doanh nghiệp nước ngoài đang ráo riết tìm xưởng gia công mới.
Các điểm sáng của ngành may mặc năm 2024
Dự báo nửa cuối năm 2024 ngành dệt may
Dựa trên những tín hiệu tích cực của nửa đầu năm 2024, dự kiến kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may sẽ tiếp tục tăng trong nửa cuối của năm 2024.
Ông Cao Hữu Hiếu – Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã dự báo: “Hầu hết doanh nghiệp ngành may đã có đủ đơn hàng sản xuất tới hết quý III/2024 và tiếp tục đàm phán ký kết cho quý IV/2024 – mùa cao điểm sản xuất cho các đơn hàng dịp Noel và Tết”. Ông Hiếu dự báo kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam năm 2024 tăng từ 8-10% so với năm 2023.
Giải pháp kiến nghị
Trong bối cảnh hiện nay với những cơ hội và thách thức nêu trên, để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp nên thay đổi chiến lược sản xuất. Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) khuyến cáo các doanh nghiệp nên cải tiến quy trình sản xuất, đổi mới thiết bị máy móc, công nghệ, tự động hóa các khâu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng năng suất.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần phải chú trọng hơn trong việc lựa chọn các nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, có khả năng tái chế để phù hợp với xu hướng bền vững hiện nay.
Tổng kết lại tình hình tổng quan ngành dệt may Việt Nam
Trên đây là tổng quan ngành dệt may Việt Nam trong nửa đầu năm 2024. Các chuyên gia kỳ vọng rằng, với những cơ hội hiện có và sự nỗ lực của toàn ngành trong năm nay, ngành dệt may sẽ cán mốc 44 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu như dự báo.