Ngày 12 tháng 12 âm lịch hằng năm là ngày giỗ Tổ ngành may – một dịp để những người thợ may tề tựu, tưởng nhớ công ơn Tổ nghề. Đây không chỉ đơn thuần là một ngày giỗ mà còn là một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của những người làm nghề khi tỏ lòng biết ơn với bậc tiền nhân. Cùng Dệt Toàn Thịnh tìm hiểu về ngày giỗ Tổ nghề may, cách cúng giỗ Tổ ngành may và những thông tin thú vị về ngày này.
Giỗ Tổ ngành may là gì?
Giỗ Tổ ngành may là ngày 12 tháng 12 âm lịch hàng năm. Đây là ngày những người thợ may, những người làm nghề dệt may, các doanh nghiệp dệt may cùng tưởng nhớ đến công ơn bậc Tổ nghề đã xây dựng và phát triển nghề may.
Ngày giỗ Tổ ngành may là ngày 12 tháng Chạp hàng năm
Các hoạt động trong ngày giỗ Tổ
Ngày giỗ Tổ ngành may có nhiều hoạt động tùy theo văn hóa của từng vùng miền. Thông thường ngày giỗ Tổ nghề sẽ có những hoạt động như:
- Lễ cúng: Các xưởng may, doanh nghiệp, gia đình sẽ tổ chức lễ cúng tại nhà hoặc dâng lễ tại lễ cúng ở đền thờ Tổ.
- Mâm cỗ: Sau lễ cúng, mọi người thường bày biện mâm giỗ để cùng nhau ăn uống và giao lưu.
- Các hoạt động văn hóa khác: Một số địa phương có tổ chức các tiết mục văn hóa như biểu diễn thời trang, thi tay nghề để tạo không khí sôi nổi cho ngày giỗ Tổ.
Ý nghĩa ngày giỗ Tổ nghề may
Giỗ Tổ là dịp để những người làm nghề dệt may thể hiện tấm lòng biết ơn với bậc tiền nhân đã tạo nghề và truyền nghề. Trong ngày giỗ Tổ, người ta thường cầu mong Tổ nghề phù hộ cho công việc làm ăn được suôn sẻ, hanh thông. Hơn nữa, đây còn là dịp để những người cùng làm nghề may tụ họp, để các thế hệ sau thể hiện sự tôn trọng và lòng yêu kính nghiệp.
Vì sao ngày giỗ Tổ lại quan trọng?
Giỗ Tổ nghề may không đơn thuần là một ngày lễ mà còn là dịp quan trọng bởi vì nó mang ý nghĩa giữ gìn bản sắc văn hóa, duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành may. Bên cạnh đó, ngày giỗ Tổ nghề còn giúp gắn bó cộng đồng làm nghề với nhau, giúp những người làm nghề được truyền lửa, thêm gắn bó với nghề.
Uống nước nhớ nguồn là truyền thống tốt đẹp đã hằn sâu vào đời sống của người Việt Nam, vì vậy nên ngày giỗ Tổ ngành may nói riêng và các nghề khác nói chung là một hoạt động giàu giá trị và không thể thiếu.
Ngày giỗ Tổ nghề may có ý nghĩa to lớn
Tổ nghề ngành may
Tổ nghề may được biết là bà Nguyễn Thị Sen. Bà sinh ra và lớn lên ở huyện Ứng Hòa, trấn Sơn Tây. Tương truyền bà là người con gái xinh đẹp, nết na, giỏi giang hơn người, đặc biệt thành thạo việc trồng dâu nuôi tằm, dệt vải, may vá.
Trong một lần vua Đinh Tiên Hoàng đến trấn Sơn Tây tìm hiền tài giúp nước, người đã gặp gỡ và nên duyên với bà Nguyễn Thị Sen. Sau khi được sắc phong làm Tứ Phi Hoàng Hậu, bà đảm nhận quản bộ May trang phục cho Hoàng triều.
Bà vốn là một người khéo léo và thông thạo may vá, cộng với óc sáng tạo của mình, bà đã tạo nên những bộ trang phục trang trọng cho Hoàng gia lẫn triều đình. Không những vậy, bà còn chỉ dạy cho nhiều thợ may trong cung, tạo nên những bộ phục trang sắc sảo chưa từng có.
Sau khi Vua Đinh Tiên Hoàng bị ám hại, bà cùng với các con trở về quê. Tại đây, bà tiếp tục truyền dạy nghề may và thêu thùa lại cho người dân trong làng. Từ đó về sau, nghề may được tiếp nối và phát triển từ đời này sang đời khác.
Bà qua đời vào ngày 12 tháng Chạp. Để tưởng nhớ và tôn vinh công lao của bà, người dân ở trấn Sơn Tây đã lập đền thờ và tôn bà là Đức Thánh Tổ nghề may. Từ đó, ngày 12/12 âm lịch hằng năm trở thành ngày giỗ Tổ ngành may tại Việt Nam.
Đền thờ Tổ nghề may
Cách cúng giỗ Tổ ngành may
Lễ cúng giỗ Tổ thường được tổ chức vào buổi sáng. Bàn cúng nên được đặt ở nơi khang trang, gần bàn may.
Đối với những thợ may tổ chức cúng giỗ ở tiệm thì mâm cúng thường được bày biện đơn giản, lễ vật thường có là một cành hoa, con gà, trầu cau, ly rượu, chén nước hoặc nhiều tiệm có cúng đầu heo, heo quay. Việc bày biện mâm cúng giỗ thường tùy thuộc vào từng quy mô và ngân sách của xưởng may.
Riêng đối với những làng nghề lớn như làng Trạch Xá thì ngày giỗ Tổ nghề may được tổ chức lớn trang trọng và cầu kỳ. Lễ vật thường bao gồm rất nhiều thứ và được tổ chức ở đền thờ Tổ.
Sau khi đã chuẩn bị xong lễ vật và thắp hương đèn, người thợ hay chủ doanh nghiệp may sẽ ăn mặc chỉnh tề để đứng ra làm chủ bái, khấn vái để cảm tạ công ơn của vị Tổ nghề và cầu nguyện cho nghề nghiệp ngày vàng thuận lợi, phát triển.
Đó là tất cả những thông tin mà bạn nên biết về ngày giỗ Tổ ngành may. Nét truyền thống tốt đẹp này cần được gìn giữ và phát huy để thế hệ hôm nay và mai sau luôn nhớ đến công ơn của Tổ nghề cũng như tiếp nối tình yêu kính nghiệp may. Hy vọng bài viết của Dệt Toàn Thịnh đã đem lại cho bạn những hiểu biết giá trị về ngành may.
Mâm cúng giỗ Tổ ngành may ở đền thờ Tổ
Dệt Toàn Thịnh là công ty chuyên sản xuất và cung cấp dây thun dệt (thun dệt thoi, thun dệt kim và thun chỉ). Với hơn 20 năm xây dựng và phát triển, chúng tôi đã tạo được vị thế vững chắc và trở thành thương hiệu cung cấp và sản xuất dây thun dệt uy tín và chất lượng.
Chúng tôi cung cấp và sản xuất dây thun cho thị trường trong nước và xuất khẩu cho thị trường nước ngoài như Walmart và Target. Liên hệ ngay với Dệt Toàn Thịnh nếu như bạn đang tìm kiếm nguồn cung dây thun dệt chất lượng.