Tổng hợp tất cả các loại sơi dệt phổ biến được sử dụng nhiều

Trong lĩnh vực dệt may hiện nay, có các loại sợi dệt với tính chất và giá thành đa dạng. Nhưng để phân biệt những loại sợi này không phải là điều dễ dàng. Trong bài viết này, Toàn Thịnh sẽ giải đáp chi tiết về đặc điểm, cách nhận biết các loại sợi dệt hiện nay. Qua đó, bạn sẽ có được lựa chọn phù hợp, đáp ứng nhu cầu may mặc của mình.

Các loại sợi dệt thiên nhiên

Nhóm đầu tiên chính là các loại sợi dệt thiên nhiên. Chúng được sản xuất để lấy sợi từ cây lanh, cây bông vải, cây đay và cây gai. Các loại sợi thiên nhiên được chia làm 3 nhóm chính gồm sợi bông – cotton, lụa – tơ tằm và sợi len – wool. 

 sợi bông thiên nhiên
Chất liệu cotton phổ biến trong ngành may mặc

Xem thêm: Sợi Filament là gì? Ưu và nhược điểm của sợi Filament

Sợi bông – cotton

Sợi bông – cotton có nguồn gốc từ cây bông vải. Đây là một trong những chất liệu vải đã có từ thời cổ đại. Để nhận biết loại sợi dệt này, bạn chỉ cần dùng tay để kéo đứt sợi.

Bạn sẽ thấy chỗ đứt không bị xù lông và cảm giác khi kéo loại sợi bông – cotton có phần dai. Hoặc bạn có thể dùng tay để vò lại, chúng sẽ để lại nhiều nếp nhăn hơn so với các loại sợi dệt khác. Ngoài ra, khi bạn đổ nước lên vải, phần nước sẽ loang rộng chứng tỏ đây là loại sợi có tính thấm hút cao. Mặt khác, khi đốt sợi bông – cotton sẽ nhanh cháy.

tính chất sợi bông
Sợi bông có tính chất thấm hút tốt

Các loại sợi bông khá phổ biến khi dùng để may trang phục công sở, quần áo trẻ em, người bệnh, người già, đồng phục quân đội,… Ngoài ra, vải bông còn được dùng để may áo gối, mền, khăn tắm, khăn tay,… Bởi chúng sở hữu nhiều ưu điểm và nhược điểm nổi bật.

Ưu điểm

  • Có tính thấm hút mồ hôi tốt lên đến 65% so với trọng lượng.
  • Thoải mái, thoáng mát, phù hợp khi mặc những loại quần áo làm từ cotton vào mùa hè hoặc ở những nơi có khí hậu nhiệt đới.
  • Mềm mại, không làm dị ứng da hoặc gây các bệnh về da nên an toàn cho người sử dụng, đặc biệt là trẻ em. 
  • Sợi bông được đánh giá có chất lượng tốt khi chúng sở hữu kích thước dài và độ dai chắc chắn.
  • Tuy sợi bông dễ cháy nhưng bạn có thể nấu trong nước sôi để tiệt trùng.

Nhược điểm

  • Vải sợi bông khá khô, dễ nhăn và khó giữ nếp nên bạn cần ủi trước khi mặc.
  • Vải cotton có độ dai nhưng xét về tính bền thì không cao. Chất vải này dễ bị chảy xệ khi kéo dãn và bám bẩn.
  • Nếu không bảo quản kỹ dễ bị mốc và làm mục áo.

Bên cạnh những ưu và khuyết điểm của sợi dệt bông, bạn cũng cần chú ý cách bảo quản về các sản phẩm làm từ sợi dệt này để kéo dài tuổi thọ. Đối với loại cotton, bạn cần giặt bằng xà phòng có độ kiềm cao, phơi ngoài nắng.

Việc này để tránh nấm mốc và cất giữ ở những nơi khô ráo, thông thoáng. Đặc biệt, nhiệt độ ủi lý tưởng cho loại sợi bông vào khoảng 180 độ C đến 200 độ C.

Lụa – Tơ tằm

Nguồn gốc của loại vải này xuất phát từ tơ của kén tằm. Trong các loại sợi tự nhiên, sợi lụa hay tơ tằm gần như là “chân ái” không chỉ của ngành dệt may mà còn với người tiêu dùng. 

Tuy nhiên, sản lượng sản xuất của loại sợi này ít hơn so với các dòng sợi khác. Vì thế, chúng có giá thành khá cao. Sợi tơ tằm tự nhiên có 4 loại, trong đó tơ của tằm dâu là loại phổ biến nhất. Hơn thế nữa, lụa được dệt từ tơ tằm rất mịn và mỏng nên được ưa chuộng trên thị trường. 

Điểm đặc biệt và dễ nhận biết nhất của loại sợi này chính là khi sờ vào bạn sẽ cảm thấy mát tay, láng mịn. Và có phần óng ánh hơn so với các loại sợi dệt khác. Ngoài ra, khi đốt sợi lụa sẽ có mùi như tóc cháy, phần đầu đốt có phần xốp và khi bóp sẽ vỡ vụn.

sợi lụa tơ tằm
Điểm đặc biệt của lụa hay tơ tằm là sờ vào láng mịn và mát tay

Lụa tơ tằm là loại sợi thông dụng và phổ biến dùng để may áo dài, các trang phục dạ hội. Và được xếp là một trong những chất liệu cao cấp, được các hãng thời trang lớn tin dùng. Chất vải lụa dễ thấm mồ hôi, phù hợp khi mặc quần áo lụa vào những ngày nóng nực, oi bức.

Mặt khác, lụa cũng có tính năng dẫn nhiệt kém giúp giữ ấm cho người mặc nên quần áo làm từ lụa vẫn được ưa chuộng khi thời tiết trở lạnh. Ngoài ra, loại sợi lụa – tơ tằm còn sở hữu một số ưu và khuyết điểm.

Ưu điểm

  • Chất vải mềm, sáng, nhẹ và có phần bóng mượt.
  • Có độ thấm hút tốt, phù hợp với các trang phục mùa nóng
  • Có độ dẫn nhiệt kém, phù hợp với các loại quần áo mặc cho mùa lạnh.

Nhược điểm

  • Chịu nhiệt kém
  • Sợi tơ thường bị ảnh hưởng bởi axit, muối kim loại, nước nóng
  • Kém bền khi giặt với các loại xà phòng có tính kiềm cao

Để giữ được chất vải lụa – tơ tằm trông như mới, bạn nên ủi ở nhiệt độ 140 độ C đến 150 độ C và phơi ở nơi râm mát. Cần hạn chế ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp, sẽ dễ làm vải bị giòn và mau hư.

Sợi len – wool

Sợi len xuất xứ từ các loài động vật, trong đó phổ biến nhất là lông cừu, dê hoặc lạc đà. Trong công đồng sản xuất len, người thợ gia công thường quay các sợi lông cừu với nhau để chúng bện lại thành khối nhằm tạo sợi liên kết.

Để xác định chất lượng và giá cả, họ thường dựa vào đường kính sợi, năng suất, độ bền, quá trình uốn và màu sắc. Cách nhận biết sợi len là khi cầm nắm bạn sẽ cảm thấy mặt vải có lông xù cứng và thô ráp. Hơn nữa, khi đốt cháy sợi len sẽ có mùi như tóc cháy và có tàn tro màu đen.

sợi len
Sợi len được làm từ lông cừu, chế tác thành nhiều màu sắc khác nhau

Sợi len thường dùng để làm các trang phục áo ấm mặc vào mùa đông hay khi thời tiết se lạnh như áo măng tô, khăn quàng cổ, nón len,…

Các ưu, nhược điểm của sợi len bao gồm:

Ưu điểm

  • Giữ nhiệt tốt
  • Chất vải xốp, nhẹ, sở hữu độ bền cao
  • Hạn chế co giãn, nhăn và hút nước

Nhược điểm

  • Dễ bị tác động làm hư hao bởi các loại nấm, mốc
  • Kém bền với các loại xà phòng có tính kiềm cao

Để bảo quản các trang phục làm từ len, bạn cần dùng xà phòng trung tính mỗi khi giặt và không giặt với nước nóng để tránh làm trang phục bị biến dạng. Đồng thời, bạn cần phơi ở những nơi mát và thông thoáng, hạn chế làm vải bị co hoặc hư hại.

Xem thêm: Nguyên phụ liệu ngành may gồm những gì và các ứng dụng quan trọng

Các loại sợi nhân tạo

Bên cạnh các loại sợi dệt tự nhiên, loại sợi nhân tạo góp phần làm tăng thêm sự đa dạng về những loại vải cho người tiêu dùng chọn lựa. Trong đó, có thể kể đến như sợi Polyester (PES), sợi nylon, Polyester POY,…

Polyester (PES)

Khi nhắc đến loại sợi nhân tạo, người ta thường nhắc đến loại sợi tổng hợp Polyester (PES). Bởi thành phần của chúng có xuất xứ từ dầu mỏ, cấu tạo đặc trưng là ethylene. 

Những xưởng sản xuất khi tạo ra loại sợi này thường dùng quá trình trùng hợp để tạo ra các sợi Polyester hoàn chỉnh. Sợi PES được chia làm 4 loại cơ bản gồm sợi tơ, sợi thô, sợi xơ và sợi bông.

 sợi polyester
Polyester là loại sợi dệt tổng hợp phổ biến

Sợi Polyester có tính năng không hút ẩm, chống cháy, chống bụi và đặc biệt không co giãn sau mỗi lần giặt. Mặt khác, sợi Polyester rất dễ nhuộm màu mà không bị tác động gây hại bởi các loại nấm mốc. Do đó, sợi PES thường được dùng trong đồ nội thất gia dụng, quần áo, vật liệu cách điện, áo khoác ngoài, túi ngủ, gối, mền,…

Polyamide (PA) – Sợi Nylon

Sợi Polyamide hay PA thường có tên gọi thông dụng là sợi nylon. Loại sợi dệt này được sản xuất từ cacbon, không khí và nước. Bản chất của Nylon là một loại nhựa được làm từ dầu thô và sau quá trình điều chế sẽ tạo ra loại sợi mạnh mẽ. Chúng có độ bền cao và khả năng co giãn tốt.

sợi polyamide
Sợi Nylon sở hữu khả năng co giãn tốt và độ bền cao

Với các tính năng ưu việt nêu trên, sợi Nylon thường được dùng để làm quần áo. Quá trình sản xuất được diễn ra hoàn toàn trong phòng thí nghiệm. Điều này đòi hỏi cần có sự tỉ mỉ, cẩn thận trong quá trình tạo ra thành phẩm.

Polyester POY

Sợi Polyester POY có tên đầy đủ là Polyester Partially Oriented Yarn. Đây là dạng sợi chính của Polyester và được tạo ra bằng cách thực hiện quá trình kéo sợi Polyester. Sợi Polyester POY thường được dùng để tạo ra sợi kết cấu và các sợi POY màu sẽ trải qua quá trình nhuộm Dope. 

sợi POY
Sợi Polyester POY là dạng chính của sợi Polyester (Nguồn: Internet)

Polyester DTY

Sợi Polyester DTY có tên đầy đủ là Draw Textured Yarn. Chúng được tạo ra khi kéo và xoắn sợi POY trong cùng một lúc. Sợi Polyester DTY là một trong các loại sợi dệt phổ biến dùng để may quần áo, bọc ghế, túi xách và các vật dụng khi trang trí nhà cửa.

Sợi DTY có độ bền cao và để tạo ra các sợi DTY nhiều màu sắc cần thực hiện nhuộm truyền thống hoặc áp dụng công nghệ nhuộm Dope.

 sợi DTY
Sợi Polyester DTY có độ bền cao

Polyester FDY

Sợi Polyester FDY được biết đến với tên gọi đầy đủ là Polyester Complete Drawn Yarn. Điểm đặc biệt của loại sợi dệt này chính là chúng có thể được dệt kim hoặc dệt từ bất kể loại sợi tơ nào để làm đa dạng các loại vải.

Sợi Polyester FDY thường được dùng để làm vải thời trang, vải denim, khăn tắm hoặc các loại vải trang trí nội thất gia đình.

sợi Polyester FDY
Sợi Polyester FDY được dệt kim hoặc dệt từ nhiều loại tơ khác nhau (Nguồn: Internet)

Polypropylen (PP)

Để tạo ra sợi Polypropylene (PP) cần vận dụng phản ứng trùng hợp Propylen. Đây là loại sợi dệt có tính bền cao, không bị kéo giãn. Và đặc biệt dễ rách nếu sản phẩm có vết thủng dù nhỏ. Ngoài ra, loại sợi Polypropylene còn có khả năng “hấp thụ” hình in tốt. Điều này giúp cho quá trình in ấn được thực hiện nhanh chóng và chất lượng hình in vẫn được rõ nét.

sợi Polypropylene
Sợi Polypropylene dễ rách nếu có vết cắt nhỏ

Polyetylen (PE)

Sợi Polyetylen thường có màu trắng, không có tính dẫn nhiệt và dẫn điện. Đồng thời, hạn chế nước và khí thấm qua vải. Đặc biệt, loại sợi này không có tính hòa tan trong nước và gần như cũng không xảy ra phản ứng với axit, kiềm, nước brom và thuốc tím. 

sợi Polyethylene
Sợi PE có màu trắng, không có tính dẫn nhiệt và điện

Elastane (EL) – Spandex

Elastane là một trong các loại sợi dệt thông dụng. Chúng là loại sợi nhân tạo với 2 cách gọi khác nhau. “Spandex” là cụm từ mà người dân vùng Bắc Mỹ thường dùng để chỉ loại sợi này, còn ở các nơi khác gọi là “Elastane”. Sợi Elastane có tính co giãn cao và không tích điện, nên chúng thường được dùng để làm quần áo thể dục, đồ chống nắng, vớ, đồ lót,…

sợi elastane
Sợi Elastane thường được dùng để may các trang phục thể thao, đồ lót

Acetate (CA)

Sợi Acetate (CA) còn được biết đến là lụa nhân tạo. Loại sợi này được bào chế từ các loại tre, nứa,… Sợi Acetate có độ mịn màng, trông rất giống với lụa tự nhiên nên chúng thường được làm đồ lót nữ, áo sơ mi, cà vạt, áo đầm,… Để bảo quản vải được làm từ sợi Acetate, bạn chỉ nên giặt nước ấm, phơi nơi thoáng mát và ủi khi đồ còn ẩm.

sợi acetate
Sợi Acetate là một loại sợi lụa nhân tạo

Viscose – Rayon

Sợi Viscose – Rayon được bào chế từ các nguyên liệu, tre, gỗ, nứa,…Chúng có bản chất hoàn toàn như sợi cotton nhưng về cấu trúc tinh thể thì có phần yếu hơn. Vải được làm từ sợi Viscose có tính năng hút ẩm tốt cùng với chất vải mềm mại và có độ bóng nhất định. Sợi Viscose – Rayon được dùng như chất vải satin để may quần áo và các lớp vải lót cao cấp như các trang phục vest. 

sợi viscose rayon
Sợi Viscose – Rayon có tính chất như vải cotton (Nguồn: Internet)

Các loại vải sợi pha

Các loại vải sợi tự nhiên và sợi nhân tạo đều sở hữu những điểm mạnh và điểm yếu riêng biệt. Tuy nhiên, dựa vào nhu cầu của người dùng hiện nay cũng như mong muốn mang đến những sản phẩm chất lượng nhất trên thị trường, các nhà chế tạo vải đã tiến hành làm các loại vải sợi pha.

Đây là một trong các loại sợi dệt tích hợp những tính năng ưu việt của cả vải sợi tự nhiên và tổng hợp. Sau đó được pha trộn theo một tỉ lệ nhất định để tạo ra thành phẩm tương xứng. Trong đó, hai loại vải sợi pha phổ biến là vải pha PECO và vải pha PEVI.

Vải pha PECO

Vải sợi pha PECO là tên viết tắt của 2 loại sợi PE và COTTON. Trong vải pha PECO còn được chia làm 2 nhóm chính là vải Tixi và vải sợi CVC, cụ thể:

  • Vải Tixi: Có sự phối trộn giữa 65% sợi Polyester và 35% sợi cotton. Loại vải Tixi có tính năng bền, thấm hút tốt, không bị nhàu vải và mặc rất thoáng mát.
  • Vải CVC: Trái ngược với vải Tixi, vải CVC có sự kết hợp giữa 65% cotton và 35% vải PE. Dòng vải này sở hữu toàn bộ các tinh năng nổi bật của sợi PE và sợi cotton.
 vải CVC
Vải CVC sở hữu các công năng nổi bật của sợi cotton và sợi PE

Vải pha PEVI

Tương tự như vải pha PECO, vải pha PEVI cũng có sự kết hợp hoàn hảo giữa sợi PE và sợi Viscose – Rayon. Do đó, vải pha PEVI đều có đầy đủ các tính năng ưu việt của 2 loại sợi nêu trên.

vải pha PEVI
Vải pha PEVI có sự kết hợp giữa sợi PE và sợi Viscose

Các loại sợi khác

Bên cạnh các loại sợi tự nhiên, sợi nhân tạo và sợi pha, trong nền công nghiệp may vẫn còn vô vàn các loại sợi khác với nhiều tính năng riêng biệt. Tuy độ phổ biến của chúng không cao nhưng vẫn tồn tại trong danh sách các loại sợi có trong ngành dệt may. Trong đó, một số loại sợi khác có thể kể đến như: 

  • Sợi CD/ Sợi CM
  • Sợi TCD (Tetron cotton)
  • Sợi TCM
  • Sợi TR (Tetron Rayon)
  • Các loại sợi dệt đặc biệt: có sự phối trộn của nhiều thành phần như sợi cotton, sợi viscose, sợi nylon,…
 các loại sợi đặc biệt
Một số loại sợi đặc biệt khác trong nền công nghiệp dệt may

Nhìn chung, các loại sợi dệt rất đa dạng với nhiều công năng khác nhau. Trong quá trình chọn lựa, bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng để có được sản phẩm như ý. Ngoài ra, nếu bạn đang có nhu cầu tìm kiếm các loại thun dệt kim, thun dệt thoi, thun chỉ chất lượng và uy tín thì có thể liên hệ ngay với Toàn Thịnh. Chắc chắn bạn sẽ hài lòng khi chọn sản phẩm của chúng tôi.